System Restore là một tính năng có thể được xem là phao cứu sinh đối với các thiết bị đang chạy hệ điều hành Windows. Về cơ bản, công cụ này có thể hỗ trợ người dùng khôi phục lại tình trạng của máy tính trước khi gặp phải những vấn đề khó nhằn như: Lỗi hệ thống, nhiễm virus hay các vấn đề liên quan đến phần mềm nghiêm trọng khác. Bài viết hôm nay Tiện Ích Máy Tính xin chia sẻ đến bạn thông tin về System Restore cũng như cách sử dụng công cụ này trên phiên bản Windows mới nhất – Windows 11.
System Restore Là Gì?
System Restore là một tính năng quan trọng được chính gã khổng lồ Microsoft phát triển và tích hợp sẵn trên hệ điều hành của mình. Mục đích là để khôi phục hoạt động của thiết bị về một thời điểm nào đó trước khi xảy ra các lỗi về phần mềm. Nói một cách đơn gỉản, khi kích hoạt System Restore trên máy tính, nó sẽ tự động tạo một bản sao lưu hệ thống cùng với vài tiện ích mở rộng,… đến khi người dùng kích hoạt nó sẽ tự động phục hồi lại.
Kích Hoạt System Restore
Trước khi bắt đầu tạo điểm phục hồi hệ thống, bạn cần kích hoạt System Restore.
Bước 1: Truy cập vào Start Menu của Windows 11. Gõ từ khoá Create a restore point rồi khởi chạy công cụ này.
Bước 2: Trong cửa sổ System Properties vừa hiện ra, tại tab System Protection bạn sẽ nhìn thấy các phân vùng ổ đĩa hiện có cùng trạnh thái bảo vệ của chúng.
Bước 3: Hiện tại, ổ (C) cài đặt Windows 11 chưa kích hoạt System Restore. Để tạo điểm khôi phục, nhấn vào ổ (C) rồi chọn Configure.
Bước 4: Trong cửa sổ System Protection for New Volume…, tích vào dòng Turn on system protection. Sau đó thay đổi dung lượng cho file sao lưu tại Max Usage.
Bước 5: Sau khi thiết lập xong các thông số trên, nhấn vào Apply rồi OK để lưu lại cài đặt.
Tạo Điểm Khôi Phục Hệ Thống
Bước 1: Truy cập vào Start Menu của Windows 11. Gõ từ khoá Create a restore point rồi tiếp tục khởi chạy công cụ này.
Bước 2: Trong cửa sổ System Properties vừa hiện ra, vào tab System Protection. Sau đó nhấn vào ổ C (System) vừa kích hoạt System Restore ở trên, chọn Create.
Bước 3: Tiến hành nhập tên cho điểm khôi phục hệ thống của bạn. Sau đó nhấn Create.
Bước 4: Đợi một lúc để Windows 11 tạo điểm khôi phục hệ thống. Thời gian phụ thuộc vào cấu hình máy tính và dung lượng file sao lưu. Bạn sẽ nhận được thông báo The restore point was created successfully khi thành công.
Lưu Ý
Windows cho phép bạn tạo nhiều điểm khôi phục hệ thống. Tuy nhiên, chỉ nên chọn thời điểm máy tính hoạt động nhất. Tránh tạo ra những file sao lưu không cần thiết dẫn đến lãng phí dung lượng.
Khôi Phục Hệ Thống Bằng System Restore
Khi đã tạo điểm khôi phục hệ thống như trên và Windows 11 bị lỗi sau khi cập nhật hoặc bất ngờ xảy ra một lỗi nào đó. Bạn có thể phục hồi lại như cũ bằng cách sau:
Đối Với Máy Tính Vẫn Vào Được Desktop
Bước 1: Tại cửa sổ System Properties như trên, tại tab System Protection nhấn vào ổ C (ổ đã tạo điểm khôi phục). Sau đó chọn System Restore.
Bước 2: Giao diện System Restore hiện ra, nhấn Next để tiếp tục.
Bước 3: Tại đây bạn sẽ nhìn thấy các điểm khôi phục hệ thống đã tạo trước đó. Hãy chọn một bản sao lưu thích hợp. Sau đó nhấn Next.
Bước 4: Windows sẽ cho bạn xem thông tin về điểm khôi phục. Sau đó nhấn vào Finish để bắt đầu quá trình phục hồi. Windows sẽ khởi động lại và khôi phục về tình trạng tốt nhất.
Đối Với Máy Tính Không Còn Vào Được Desktop
Để thực hiện, hãy khởi động máy tính của bạn vào môi trường tự động sửa chữa (Advanced Startup Options) trong Windows 11. Có thể tham khảo vài bước tương tự trong bài viết này: Cách Khởi Động Vào Safe Mode Trên Windows 11 – Tiện Ích Máy Tính.
Bước 1: Sau khi thiết bị đã ở chế độ Advanced Startup Options. Lần lượt nhấn vào các tuỳ chọn Troubleshoot => Advanced options => System Restore.
Bước 2: System Restore sẽ được tải và bạn chỉ cần thực hiện các bước tương tự như trên để phục hồi hệ thống dựa vào điểm sao lưu đã tạo ra trước đó.
Xoá Điểm Khôi Phục Hệ Thống
Như đã nói ở trên, việc tạo nhiều điểm khôi phục không cần thiết sẽ gây lãng phí dung lượng. Bạn có thể xoá bớt chúng như sau:
Bước 1: Tiến hành mở của sổ System Properties như cũ, tại tab System Protection nhấn vào ổ muốn xoá điểm khôi phục. Sau đó chọn Configure.
Bước 2: Nhấn vào Delete để xóa các điểm khôi phục đã được tạo. Hoặc cũng có thể điều chỉnh thanh trượt tại Max Usage để giảm kích thước dung lượng chứa các file sao lưu. Sau đó nhấn vào ỌK để lưu lại.
Lời Kết
Vậy là Tiện Ích Máy Tính đã chia sẻ đến bạn System Restore là gì và cách sử dụng trên Windows 11. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Nếu như có bất kì thắc mắc hay đóng góp gì, vui lòng bình luận bên dưới. Bọn mình sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất. Chúc các bạn sức khoẻ, thành công và hẹn gặp lại ở các bài viết tiếp theo!