Mainboard là gì? Bo mạch chủ là gì Mainboard hay còn được biết đến với rất nhiều cách gọi khác như motherboard, main máy tính, bo mạch chủ. Bo mạch chủ (motherboard) là một bảng mạch đóng vai trò nền tảng của một bộ máy tính, được đặt ở vị trí trung tâm thùng máy (case). Nó phân phối điện cho CPU, RAM, và tất cả các thành phần khác thuộc phần cứng của máy tính. Quan trọng nhất là bo mạch chủ tạo ra mối liên kết giữa các thành phần này với nhau.
Giới Thiệu
Trên bo mạch chủ có khay cắm CPU, để gắn bộ xử lý trung tâm CPU, các khe cắm bộ nhớ ram và có các khe cắm mở rộng để nâng cấp các tính năng cho máy tính, ví dụ như card màn hình rời, card âm thanh rời…
Nó cũng có các kết nối, gọi là kết nối SATA để kết nối với thiết bị lưu trữ ngoài như ổ cứng SSD và HDD. Trên các bo mạch chủ thường có nhiều đầu cắm SATA để bạn có thể kết nối nhiều ổ cứng đáp ứng nhu cầu về dung lượng ngày càng lớn hiện nay.
Ở các bo mạch chủ hiện đại còn có thêm cổng kết nối M.2 để gắn ổ cứng có kích thước nhỏ gọn thể rắn M.2 thường thấy trong các dòng máy tính xách tay mới.
Ở trên các bo mạch chủ hiện đại, bạn cũng sẽ thấy một thành phần được gọi là Platform Controler Hub (viết tắt là PCH) tạm dịch ra có nghĩa là bộ điều khiển nền tảng. Nó là kiến trúc Chipset mới nhất của Intel, thay thế cho kiến trúc cũ.
Ở trên các bo mạch cũ, có 2 Chipset được gắn trên bo mạch gọi là Chipset cầu bắc và Chipset cầu nam, và hai con chip này sẽ có hai chức năng khác nhau.
Chip cầu bắc có tên gọi như vậy vì nó thường được đặt ở phía trên, nó có chức năng là thành phần trung gian kết nối giữa cpu với ram và khe cắm chuẩn tốc độ cao (hay còn gọi là cổng pci express) để kết nối các phần cứng ngoại vi cần sử dụng tốc độ cao như card đồ họa
Chip cầu nam thì ngược lại thường được cho nằm ở phía dưới của bo mạch và bọn này ít khi đổi tư thế, nhiệm vụ của em này đó là cho cpu có thể giao lưu và kết hợp với các đàn em như khe cắm pci tiêu chuẩn (để giao tiếp với card âm thanh, chuột, bàn phím), đầu nối sata kết nối ổ cứng, cổng usb…
Nhưng đó chỉ là chuyện xưa rồi diễm, ngày nay ai còn dùng cái đó nữa, mà người ta thay thế nó bởi kiến trúc mới đã nêu ở trên có bộ điều khiển nền tảng
Ở kiến trúc này, các chức năng của chip cầu bắc được tích hợp gần như toàn bộ vào cpu luôn, và nó không còn được xuất hiện trên bản đồ, còn các chức năng của chip cầu nam được thay thế bởi bộ điều khiển nền tảng.
Hiện nay, hầu hết các bo mạch chủ đều có các cổng phụ trách đầu vào và đầu ra phổ biến mà bo mạch nào cũng có. Được thiết kế gọn gàng ở một khu vực phía sau của bo mạch
Trong đó cổng phổ biến nhất là cổng usb, bởi vì hiện nay có rất nhiêu thiết bị ngoại vi sử dụng cổng này để kết nối với máy tính như: chuột, bàn phím, máy in, webcam, thiết bị lưu trữ usb, ngoài khả năng kết nối, nó còn cung cấp nguồn điện với hiệu điện thế 5v để bạn có thể sử dụng nguồn cung cấp cho các thiết bị khác như là sạc điện thoại, đèn led… các cổng này được bố trí phần nhiều ở phía sau và một vài cổng ở mặt trước để tiện trong việc cắm các thiết bị không kết nối thường xuyên và thay đổi như là bộ nhớ usb.
Một cổng kết nối không thế thiếu trên mỗi bo mạch chủ nữa đó là card màn hình tích hợp, nó chịu trách nhiệm chính về việc xử lý các tác vụ đồ họa và thông tin hình ảnh. Hình ảnh có sắc nét hay không, đồ họa game hay các đoạn video có trơn tru mượt mà hay không là thành quả do nó mang lại. Trên các bo mạch cũ thường có cổng vga và dvi, trong khi đó, trên các bo mạch mới hơn sẽ có thêm cổng hdmi và display port.
Với các card màn hình tích hợp này, nó sẽ không thực sự mạnh với các màn hình có tần số quét cao hoặc các game, ứng dụng đòi hỏi đồ họa mạnh, nó chỉ phù hợp với các nhu cầu phổ thông như người dùng văn phòng, lướt web, gõ văn bản, xem phim…
Khi sử dụng để chơi các game đồ họa cao hoặc ứng dụng đồ họa thì chất lượng hình ảnh có thể bị hụt, không được đẹp và mượt mà như mong đợi. Chính vì vậy mà các game thủ hoặc các bạn làm thiết kế, dựng phim thường trang bị thêm một chiếc card đồ họa rời.
Một cổng cũng không thế vắng mặt, đó là cổng kết nối mạng, cổng này được thiết kế để kết nối với cáp mạng thông qua đầu nối rj-45.
Có hình ảnh rồi thì cũng không thể thiếu âm thanh được đúng không ạ, chính vì thế mà trên bo mạch chủ cũng có luôn một card âm thanh tích hợp cho nhu cầu phổ thông để người dùng có thể kết nối loa nghe nhạc, xem phim, hoặc kết nối mic thu âm.
Nãy giờ mải tìm hiểu bên trong mà chưa tìm hiểu bên ngoài, bo mạch chủ thường có một số kích thước khách nhau, tùy vào nhà sản xuất và từng case đặc biệt. Tuy nhiên mẫu bo mạch được sử dụng phổ biến hiện nay gọi là atx, dịch nôm na là công nghệ tiên tiến mở rộng cho oách, nó được tạo ra vào năm 1995 và như một tượng đài, nó tồn tại và là một tiêu chuẩn cho các bo mạch hiện nay. Bo mạch chuẩn này có kích thước là 12×9.6 inch, là một hình chữ nhật. Trước nó, đàn anh có tên là at, dịch nôm na là công nghệ tiên tiến, nó được phát triển bởi các kỹ sư ibm và được sử dụng vào những năm 1980, kích thước nó là 12×13.8 inch, và từ khi atx ra đời thì nó không có cửa nữa, người ta không phát triển nó nữa
Một phiên bản em út nữa như iphone 12 mini vậy đó chính là micro atx, và nghe qua tên cũng biết là kích thước như nào rồi đúng không ạ, kích thước bạn này rơi vào khoảng 9.6 x 9.6 inch là một hình vuông so với thiết kế chữ nhật của ông anh atx
Các bo mạch micro có giá thành rẻ hơn, thường được sử dụng trong các máy tính có kích thước nhỏ gọn, nó cũng ít tính năng và tiêu thụ ít điện năng hơn so với bản chuẩn atx, và dĩ nhiên là hiệu năng cũng không bằng được rồi.
Video Giới Thiệu MainBoard – Bo Mạch Chủ Là Gì?, Thành Phần, Cấu Tạo Của Bo Mạch Chủ
Lời Kết
Vậy là Tiện Ích Máy Tính đã giới thiệu đến các bạn cấu trúc và các thành phần chính có trên một bo mạch chủ của máy tính. Hi vọng nó dễ hiểu với các bạn mới tìm hiểu máy tính.
Có góp ý hoặc thắc mắc các bạn vui lòng để lại bình luận nhé!
1 Bình luận
Minh Nguyen
Hay đó ad . Ra thêm nhiều cài nữa nha!!!